Nắm vững cách sử dụng máy ảnh số thông qua các chế độ chụp

Nắm vững cách sử dụng máy ảnh số thông qua chế độ chụp



Khi sử dụng máy ảnh kỹ thuật số, có những ký tự đại diện cho chế độ chụp như B, A, P, Tv...nếu chưa nắm rõ có thể bạn sẽ lúng túng và khó khăn trong việc sử dụng, bài viết liệt kê một số chế độ chụp giúp người dùng tham khảo để điều khiển tốt hơn chiếc camera của mình

Khái niệm APERTURE : Khẩu độ hay độ mở màn trập (ống kính)

Trong ống kính máy ảnh có một cơ quan gọi là màn trập, cơ quan này bao gồm nhiều tấm thép xếp chồng lên nhau để điều tiết độ mở lớn hay nhỏ của ống kính nhằm cho phép ánh sáng vào máy nhiều hay ít, vai trò như mí mắt của người.




Giá trị của khẩu độ được đo bằng trị số f (có thể thể hiện theo ba cách như f/8, F8 hay 1:8), trị số f càng nhỏ ví dụ f/2, f/2,8… thì độ mở màn trập càng lớn, ánh sáng càng tiếp xúc nhiều hơn với phim, sensor máy ảnh.

Dãy số trị số của khẩu độ f/2, f/2.8, f/4, f/5.6,f/8,f/11….có ý nghĩa là cứ tăng lên một giá trị trong dãy thì màn trập mở nhỏ hơn và lượng ánh sáng đi qua ống kính sẽ giảm đi một nửa.

1. APERTURE PRIORITY: Chế độ chụp ưu tiên khẩu độ.



Ký hiệu thường dùng trên vòng xoay chỉnh chế độ là A (Nikon,Panasonic,Lumix..) hoặc là Av (Canon,Pentax…)

Khi thiết lập máy ảnh ở A hay Av mode người dùng tự chọn độ mở màn trập, thông số tốc độ màn trập (Shutter speed) do máy kiểm soát. Chế độ này đặc biệt quan trọng khi người muốn kiểm soát khoảng nét hay còn gọi là chiều sâu của bức ảnh.

Ví dụ:
Trong chụp ảnh phong cảnh thiết lập A, Av mode điều chỉnh độ mở nhỏ f/11, f/16 để ảnh có chiều sâu, có độ sắc nét của các chi tiết tiền cảnh lẫn hậu cảnh.



Trong chụp ảnh chân dung,ảnh chụp cận cảnh macro thiết lập A, Av mode, điều chỉnh độ mở lớn f/2, f/2.8 để làm mờ, nhòe đi cảnh nền phía sau giúp đối tượng chụp nổi bật hơn lên.



Khái niệm SHUTTER SPEED: Tốc độ trập

Đây là trị số tính bằng giây quy định khoảng thời gian cửa trập mở ra để lấy sáng, càng mở lâu thì ánh sáng vào tiếp xúc với phim hay sensor càng nhiều và ngược lại.

Dãy trị số của tốc độ trập ....1/4s, 1/8s,1/15s,1/30s,1/60s... có ý nghĩa cứ lên một cấp thì cửa trập đóng lại nhanh hơn và lượng ánh sáng đi qua ống kính giảm đi một nửa, và như vậy với tốc độ đóng cửa trập càng nhanh thì ảnh càng tăng nguy cơ bị thiếu sáng và ngược lại.

2. SHUTTER SPEED PRIORITY MODE: Chế độ chụp ưu tiên tốc độ trập



Ký hiệu thường dùng trên vòng xoay chỉnh chế độ là Tv = Time value hay S = Shutter

Việc có thể chọn lựa tốc độ đóng cửa trập giúp bạn chụp được những tấm hình chuyển động mà không bị mờ nét chẳng hạn dùng tốc độ đóng nhanh 1/500s, 1/2000s để bắt đứng sự chuyển động của nước, khiến có cảm giác như dòng nước bị đông cứng lại thấy rõ từng hạt nước


Hình minh họa: Dùng đá ném xuống nước và thiết lập Tv = 1/400s thấy rõ các hạt của tia nước bắn lên không trung

Theo chiều ngược lại, dùng tốc độ trập chậm trong kỹ thuật chụp phơi sáng có thể tạo ra hiệu ứng làm nhòe chuyển động khiến vật thể chuyển động tạo vệt mờ.


Hình minh họa dùng tốc độ Tv = 1/2s khiến dòng nước chảy nhòe đi trông như một bức tranh vẽ.

3. PROGRAM : Chế độ chụp chương trình

Ký hiệu trên vòng chỉnh chế độ là P.



Ở chế độ này máy ảnh sẽ đảm nhận xử lý phần tốc độ trập (shutter) và khẩu độ trập (aperture) đã nêu ở trên. Khi chỉnh về P mode, bạn có thể thiết lập những thông số như độ cân bằng trắng, tắt hay mở đèn Flash, sử dụng độ nhạy sáng ISO ở mức nào, phần phơi sáng thông qua hai trị số f và s để cho máy tự chọn (auto).

Chế độ chụp này rất tốt cho người mới bắt đầu chụp, bạn để P mode và không cần phải lo lắng đủ sáng hay không để tập trung vào chủ đề, bố cục,nó đặc biệt hữu dụng khi bạn chụp cảnh ở ngoài trời với ánh sáng tốt.

Trong những trường hợp ánh sáng không được tốt lắm, có khả năng ảnh của bạn sẽ bị mờ khi chụp ở P mode vì máy ảnh tự động chọn chụp với tốc độ chậm, khi đó bạn phải chụp với chân máy (tripod) còn nếu không có chân máy thì bạn chỉnh ISO lên cao (tầm 400) kết hợp với bật đèn Flash khi chụp, chú ý là sử dụng Flash không nên đứng quá xa (tối đa 4m) so với đối tượng chụp.

4. MANUAL : Chế độ chụp chỉnh tay

Đây là chế độ cuối trong bộ tứ 4 chế độ chính của máy ảnh P-S-A-M, trên vòng xoay chỉnh có ký hiệu là M



Khi bạn đã hiểu và nắm được A mode và S mode thì bạn đã hoàn toàn có thể chỉnh về Manual Mode để chụp trong những trường hợp A,S mode không đáp ứng được mong muốn.

Manual mode cho phép người chụp hoàn toàn tự do chỉnh các thông số kỹ thuật, trị số s, f, lấy net, chỉnh ISO, cân bằng trắng, thiết lập Flash on hay off....chính vì thế nó không dành cho người mới đến với nhiếp ảnh.



Tấm ảnh hoa minh họa được chụp trong bối cảnh hoa được chiếu sáng bởi ánh sáng mặt trời nhưng hậu cảnh nền lại là một vùng bóng râm. Nếu chụp ở chế độ bán tự động, máy ảnh nhiều khả năng sẽ ưu tiên vùng sáng cho hậu cảnh thay vì chủ thể chính, nếu bạn để khẩu độ mở nhỏ để giảm sáng thì ảnh ko đạt yêu cầu, lúc này bạn phải cần có Manual mode để chỉnh tay tất cả nhằm đạt tấm ảnh như ý.
Ngoài các chế độ chụp chính, chúng ta còn có thể bắt gặp những chế độ chụp khác tùy theo sự sáng tạo, sự phân loại riêng của các nhà sản xuất máy ảnh (Sony,Nikon,Canon...) trong đó:

ISO PRIORITY : chụp ưu tiên độ nhạy sáng :

khái niệm ISO: ISO là cách mà bộ cảm biến của máy ảnh nhạy cảm với ánh sáng, giá trị thường gặp 100,200,400,800,1600...



Giá trị ISO càng thấp, hình ảnh chi tiết hơn nhưng cảm biến ít nhạy cảm hơn với ánh sáng và ngược lại. Với ánh sáng ban ngày ngoài trời bạn đặt ISO thấp 100,200 để hình ảnh chất lượng hơn, trời u ám, mờ tối chụp với ISO 400,800, chụp ban đêm phải để ISO ở tầm 1600 mới đủ sáng các chi tiết dù hình ảnh tăng khả năng bị nhiễu, hạt. Nếu muốn giữ chất lượng hình bạn nên cố gắng để ISO thấp + kết hợp Flash để chụp trong đêm nhưng Flash thường gây lóe sáng không mong muốn trên chủ đề.


Một tấm ảnh chụp hồ cá thủy cung trong điều kiện ánh sáng yếu, tác giả không dùng Flash và để ISO ở 1600


Ký hiệu của ISO priority mode là Sv trên máy ảnh của Pentax, Sv mode cho bạn chọn trước độ nhạy sáng ISO, các thông số tốc độ, khẩu độ do máy auto. Còn thiết lập P mode thì máy quyết định cả 3 thông số.

Trên máy khác như Nikon, Canon Sv mode chính là Program mode + chỉnh tay độ nhạy sáng ISO.

CHẾ ĐỘ CHỤP TAv

Chế độ chụp này cho phép bạn chỉnh tay 2 thông số tốc độ và khẩu độ, máy sẽ tự động dò tìm một mức ISO phù hợp, chế độ này tìm thấy trên một số máy ảnh Pentax. Ở các máy khác bạn sử dụng TAv mode bằng cách chọn Manual mode sau đó chọn thiết lập ISO tự động.



TAv mode hữu ích hơn Manual mode trong một số tình huống nhất định, chẳng hạn bạn chụp sân khấu, sân được chiếu sáng bởi nhiều nguồn sáng khác nhau, ánh sáng thay đổi liên tục và bạn cần chụp hàng loạt tấm hình, ISO tự động theo từng thời điểm chụp trong TAv mode sẽ giúp bạn xử lý trường hợp này tốt hơn.

CHẾ ĐỘ CHỤP DEP

Khái niệm DEP: DEP = DEPth of field (Độ sâu trường ảnh) còn gọi là DOF

Mỗi ống kính máy ảnh chỉ có khả năng chụp được vật thể một cách sắc nét trong một vùng nhất định, vùng rõ nét này gọi là độ sâu trường



Trong hình minh họa, hình ảnh con bướm bay quá gần ống kính hay quá xa sẽ bị mờ vì nó không nằm trong "Độ sâu trường" của ống kính máy ảnh này.

Độ sâu trường phụ thuộc máy ảnh và cách chọn khẩu độ, khoảng lấy nét (là khoảng cách từ ống kính đến vật cần lấy nét = chủ thể chụp).

Trị số khẩu độ càng nhỏ f/2, f/2.8 ống kính mở càng rộng, khoảng lấy nét càng ngắn thì vùng rõ nét (độ sâu trường) càng nhỏ (nông), trong hình minh họa mở khẩu độ lớn --> vùng rõ nét ngắn tập trung hoàn toàn lên con vật khiến hậu cảnh xung quanh mờ nhòe giúp người xem ảnh tập trung vào chủ thể chính.



Khi khẩu độ ống kính mở càng nhỏ ( tri số lớn f.11, f/16) thì vùng rõ nét DOF càng rộng thích hợp cho chụp ảnh phong cảnh, hình minh họa có DOF lớn nên rõ nét các chi tiết cả ở gần lẫn ở xa khiến tấm ảnh có chiều sâu.



DEP mode là chế độ thấy trên một số dòng máy của Canon: khi bạn thiết lập ở DEP mode, bạn hướng ổng kính vào chủ thể gần nhất muốn đặt trong vùng rõ nét (DOF) và nhấn nhẹ nút chụp sau đó hướng ống kính vào chủ thể xa nhất muốn đặt trong DOF rồi nhấn tiếp nửa còn lại của nút chụp --> máy tính sẽ tính toán muốn có vùng rõ nét này thì trị số khẩu độ phải đặt ở bao nhiêu.

CHẾ ĐỘ CHỤP A-DEP



Canon còn cung cấp thêm một chế độ chụp nữa gọi là A-DEP: Chế độ này cho phép bạn để máy ảnh tự động chọn vùng rõ nét (DOF) cho chủ đề chụp để hỗ trợ những tay máy yếu kỹ thuật, tuy nhiên do cách xác định quá đơn giản của máy, chế độ này hầu như không giúp được gì cho người chụp.

CHẾ ĐỘ CHỤP C1, C2, C3...

* Đây là chế độ Custom cho bạn lưu sẵn các thông số kỹ thuật vào để xài mỗi khi cần chẳng hạn bạn lập:

C1 = Av mode, f/11, ISO 100,... dành cho chụp phong cảnh
C2 = S mode, 1/200s, ISO200,...lập sẵn cho chụp cảnh thể thao

Tùy máy bạn có thể có thêm những thiết lập cấp nhỏ hơn nữa ví dụ như lập sẵn C2.1 để chụp thể thao trong nhà, C2.2 chụp thể thao ngoài trời..v.v...

Để tạo thuận lợi cho người sử dụng, các hãng sản xuất cố gắng tiêu chuẩn hóa các thiết lập thông số kỹ thuật cho từng tình huống giúp những người chụp không cần hiểu các khái niệm như DOF, Aperture, Shutter,...vẫn có thể chụp được những tấm ảnh như mong muốn.

CHẾ ĐỘ CHỤP AUTO HOÀN TOÀN: Automatic mode



Ký hiệu là ô hình vuông màu xanh, hình máy ảnh, hoặc chữ Auto, đây là chế độ dành cho người mới biết đến nhiếp ảnh, luôn có trên thể loại máy ngắm và chụp (compact) và được đa số người sử dụng máy chọn lựa, máy tự động đoán bạn đang chụp cái gì để lấy nét, chỉnh khẩu độ, tốc độ, độ nhạy sáng, cân bằng trắng,flash...và bạn chỉ cần bấm nút. Nhìn chung với chế độ này bạn chỉ có thể dùng tạm khi chưa nắm bắt kỹ thuật, chứ khó lòng giúp bạn có những tấm ảnh ấn tượng được.

SCENE MODE :



Mỗi hãng sản xuất lại chia nhỏ Auto mode thành hàng loạt mode nhỏ hơn, sự tính toán, điều chỉnh các thông số kỹ thuật trong các chế độ có thể không giống nhau giữa các nhãn hiệu máy, đem lại những kết quả khác nhau.

Marco mode : Chụp cận cảnh, thích hợp khi chụp hoa, côn trùng, máy có thể sẽ cố gắng tính toán để mở khẩu độ lớn.

Flower : Một số máy có thể có chế độ auto riêng cho chụp hoa

Landscape mode : Chỉnh về chế độ này khi muốn chụp phong cảnh, máy thường làm tốt nhiệm vụ nếu trời quang đãng, ánh sáng đủ.

Sport mode : Chụp ảnh thể thao, giảm mờ nhòe khi đối tượng chụp di chuyển, máy thường tìm cách nâng tốc độ chụp lên, chụp nhanh để bắt đứng hình lại.

Night mode : Chụp cảnh đêm, máy có thể tính toán đẩy ISO lên cao, mở rộng khẩu độ hay giãn thời gian đóng màn trập (chụp tốc độ chậm)...

Night portrait : Chụp người ban đêm, máy có thể đẩy flash on và cố gắng nhận dạng và loại bỏ hiện tượng mắt đỏ

Night landscape : Chụp phong cảnh ban đêm.

Fireworks : Chụp pháo hoa, máy thường xử lý auto kém trong những chế độ khó chụp như chụp cảnh pháo hoa.

Beach : Cảnh biển, thường được máy hiểu là ánh sáng nhiều, chói nắng.

Snow : Trời nhiều tuyết, sáng trắng.

Và còn rất nhiều chế độ chụp được lập sẵn khác như tự chụp mình , chụp văn bản , chụp trong nhà bảo tàng , chụp ngược sáng , trẻ em , tiệc tùng , chân dung ... nói chung chụp người , vật nuôi, hoa cỏ, ...máy thường cố gắng xác định vật thể cần lấy nét, đặt vật ấy vào vùng rõ nét, loại bỏ mắt đỏ và cố gắng tính toán để điều tiết ánh sáng phù hợp ( tăng giảm ISO, bật hay tắt Flash)...chụp cảnh thường chọn lấy một khung cảnh chuẩn mực để dựa vào. dù thế nào thì độ thông minh của máy ảnh vẫn còn nhiều giới hạn nên bạn không nên quá ỷ lại vào những chế độ tự động này, đặc biệt trong những tình huống không phải là một tình huống chuẩn.

Các chế độ phụ khác:

Chế độ Burst : Chế độ chụp ảnh liên tiếp nhiều tấm (multi-shot) dùng trong một số trường hợp như ghi nhận một sự kiện đang diễn ra rất nhanh, chụp ảnh thể thao, chụp trẻ em (trẻ rất khó đứng im nên thường phải dùng Burst mode để chụp liên tiếp nhằm chọn ra tấm ưng ý nhất)



Chế độ Autofocus : Chụp tự động lấy nét ký hiệu AF



Vài điểm phân biệt các chế độ lấy nét tự động:

Lấy nét tự động liên tục (continuous): Máy liên tục rà soát để lấy nét và bất cứ lúc nào bạn chụp nhấn nút chụp cũng được.

Lấy nét tự động đơn (single - one shot): Khi chụp nhấn nhẹ nút chụp nửa đường để lấy nét, lấy nét xong nhấn hẳn nút chụp xuống để chụp, tuy tiết kiệm pin hơn nhưng có thể không kịp chụp trong một số tình huống cần bắt lấy khoảnh khắc thật nhanh.

Chế độ lấy nét AI Servo: Chế độ lấy nét dành cho chụp chủ thể đang chuyển động liên tục, máy tự động căn khoảng cách lấy nét và lấy nét đúng vào thời điểm bấm chụp



Chế độ lấy nét AI Focus: Chế độ lấy nét thông minh thụ động, máy lấy nét cho chủ thể tĩnh nhưng khi chủ thể bất ngờ di chuyển thì máy chuyển sang AI Servo để lấy nét

Ngoài ra tùy dòng máy mà còn có một số chế độ như chụp toàn cảnh Panorama, Flash tự động, quay phim, chụp đen trắng, chụp hiệu ứng..v.v